NỘI DUNG - HOẠT ĐỘNG
THÔNG TIN BỔ ÍCH
WEBSITE LIÊN KẾT
SƠ ĐỒ ĐƯỜNG ĐI
LƯỢT TRUY CẬP
15684727
Nhịp sống học đường
  • Đứng lên khi vấp ngã
    • Đứng lên khi vấp ngãCập nhật thứ Hai 22/7/2013
      - Tôi đã trượt té rất nhiều lần trên con đường độc đạo từ bản ra phố huyện học phổ thông. Tôi đã tự học cách đứng lên khi vấp ngã trên con đường đất đá dài hơn 20 km ấy. Nhưng từ thất bại đến thành công trong học tập và cuộc sống, tôi luôn có những người phụ nữ đồng hành. Họ là mẹ và các cô giáo của tôi.
    • “Đối mặt với thất bại, đó chính là cách đưa bạn đến gần chiến thắng hơn”. Cô Hải Yến chủ nhiệm ba năm cấp 3 của tôi dạy Toán nhưng cô có những chân lý từ trải nghiệm của mình rất đúng đắn. Bằng những kinh nghiệm quý báu ấy, cô chỉ cho chúng tôi cách đối mặt với nghịch cảnh: “Bạn hãy nhìn cây sống đời, chỉ một chiếc lá rơi rụng, thậm chí chiếc lá nát ra, nó vẫn có thể nảy mầm và phát triển thành cây mới…”, cô nói vậy trước khi chúng tôi có kết quả thi đại học. Cô biết, không ít bạn sẽ thi rớt, không ít bạn sẽ phải thất vọng. Học trò lớp cô đều thích lá sống đời, vì sức sống bất diệt của nó.

      Cô nói “thái độ lạc quan, tin tưởng và lòng quyết tâm chính là cách để đón nhận không chỉ thành công mà cả thất bại: Nếu bạn thi rớt, có thể thi lại, nếu bạn phỏng vấn xin việc lần một chưa đạt, hãy xin một cơ hội trả lời những câu hỏi khác hoặc nộp hồ sơ chỗ mới”. Cô còn nói lạc quan, tin tưởng là tính tốt. Vì không ai trong đời không phải trải qua thất bại. Cô kể, bản thân cô từng thi trượt đại học, từng thi rớt tốt nghiệp hồi đại học, từng thất bại trong tình đầu, cuộc hôn nhân lần thứ nhất đổ vỡ, có một số vấn đề về sức khỏe. Nhưng đó là một phần của cuộc sống, đối mặt để vượt qua chính là sự lựa chọn của cô. Trốn tránh chỉ là sự hèn nhát, như con rùa rụt cổ, như người bạn bỏ rơi bạn lúc khó khăn trong truyện Tình bạn. “Không có ai cả đời thất bại, chỉ có người cả đời không chịu cố gắng”, cô nói.

      Dù đã được cô chủ nhiệm tư vấn tâm lý về thành công – thất bại, dù đã thấm nhuần tư tưởng thành công của cô Yến nhưng tôi vẫn không thoát khỏi gót chân Achilles của mình, là tính nóng vội, hiếu thắng. Năm đầu thi đại học, tôi đã trượt. Mặc cho cha mẹ kì vọng vào đứa con gái duy nhất của họ chỉ ăn rồi chăm chăm học bài. Mặc cho tôi là lớp trưởng được thầy cô bạn bè kì vọng và lấy làm niềm tự hào. Tôi vẫn rớt. Chẳng có lý do gì cho kì thi không đậu của tôi cả. Tôi trượt đại học, vậy thôi.

      Cảm giác thất bại của một đứa luôn đứng đầu làm tôi khó chấp nhận sự thật. Tôi chỉ thực sự thức tỉnh khi mẹ bị ốm. Rồi mẹ tôi mất cả tuần sau đó mới hồi phục. “Sau một trận ốm, con cần thời gian để hồi sức. Sau một thất bại, con cần thời gian để lấy lại nội lực. Con định cứ thả mình xuống dốc thế đến bao giờ?”. Lời mẹ thức tỉnh tôi. Người phụ nữ vĩ đại của tôi đã buồn thế nào khi nhìn tôi giấu mình trong phòng tối. Chính mẹ là ánh sáng của cuộc đời tôi. Tôi trở lại với chính mình, như con sư tử nhừ đòn đã hung hăng hiếu chiến hơn. Năm sau đó, tôi đỗ đại học điểm cao ngoài thực lực ban đầu của mình. Lúc này tôi mới nhận ra: Chỉ là thất bại khi ta thôi có mục đích, chỉ cần có mục đích sẽ có hướng đi, cách đi và động lực để đi tới nơi ta muốn đến. Lúc này, tôi là người hùng của chính mình.

      Tôi chạm tới con đường đam mê bằng việc không từ bỏ. Cô giáo Hải Yến là cầu nối giúp tôi tới gần hơn ước mơ. Tôi đã vượt qua thất bại chỉ bằng việc nhóm lên đốm lửa đam mê trong lòng.

      Vào đại học, tôi cũng có cô giáo đáng kính của mình. Cô không dạy tôi đứng lên và vượt qua thất bại. Cô nói về cái giá của thành công: “Các bạn có thể làm được nhiều hơn bạn nghĩ, đi xa hơn nơi các bạn muốn đến; chỉ cần các bạn có đam mê và theo đuổi nó. Bạn không cần đi  kiếm tiền, hãy kiếm tìm và nuôi lớn đam mê, những cái khác sẽ tự tìm đến bạn”. Điều mà tôi cũng học được từ bộ phim hay Ba chàng ngốc. Nhân vật nam chính trong phim đã nói, đại ý: “Hãy theo đuổi đam mê, thành công sẽ theo đuổi bạn”. Chính anh ta đã nuôi niềm đam mê máy móc, anh ta theo đuổi nó, trở thành chuyên gia, sáng chế ra hàng trăm máy móc thiết thực cho cuộc sống. Nhưng mà, cô giáo tôi không lấy ý tưởng từ bộ phim này, vì cô nói với sinh viên của mình cả trước khi bộ phim phát sóng. Tôi không theo đuổi điểm cao để dành vị trí thủ khoa như nhiều bạn cùng lớp. Tôi chỉ theo đuổi đam mê nghiên cứu khoa học. Và đề tài của tôi được đánh giá cao, được giáo sư hướng dẫn đề nghị tiếp tục nghiên cứu ở bậc sau đại học. Nó mở ra cho tôi một cánh cửa mới, rộng hơn.

      Con đường tôi học phổ thông là độc đạo. Nhưng trên đường tới tri thức của tôi không phải độc đạo. Các cô giáo của tôi chính là người mẹ hiền thứ hai dẫn tôi.

      Tr Lạc Hồng theo GD&TĐ

Nhịp sống học đường
Trang   1  [2]  3