NỘI DUNG - HOẠT ĐỘNG
THÔNG TIN BỔ ÍCH
WEBSITE LIÊN KẾT
SƠ ĐỒ ĐƯỜNG ĐI
LƯỢT TRUY CẬP
16002260
Bài viết của giáo viên
  • Sự kết nối từ những tiết học cuối năm!
    • Cái cảm giác nôn nao được nghỉ Tết đã len lỏi vào lớp học từ rất sớm. Nó chiếm hữu tâm trí của bọn trẻ, nhất là những em sống xa nhà. Mỗi tiết học, trong thời điểm này, thật khó “cầm cự” đối với các thầy cô. Ở trường Sư phạm, không ai dạy cho bạn điều này cả.
    • Cái cảm giác nôn nao được nghỉ Tết đã len lỏi vào lớp học từ rất sớm. Nó chiếm hữu tâm trí của bọn trẻ, nhất là những em sống xa nhà. Mỗi tiết học, trong thời điểm này, thật khó “cầm cự” đối với các thầy cô. Ở trường Sư phạm, không ai dạy cho bạn điều này cả. Họ không  cho chúng ta biết rằng bọn trẻ cần phải được dạy cái gì vào những thời điểm nhạy cảm này. Tất cả đều phải học từ bọn trẻ mà thôi. Phải dạy chúng những gì để chúng quên rằng: Ừ thì sắp Tết. Và cũng phải dạy cho chúng những gì cần phải làm trong những ngày Tết … Tôi đem cho các em một bộ phim ngay trong lúc chúng muốn về nhà hơn là ở lại lớp học … Bộ phim “Những vòng xe”. Đó là một Short film của Báo Thanh Niên. Và dĩ nhiên trong 45 phút của tiết học, tôi không làm gì ngoài việc xem phim, cũng như 45 phút tiếp theo, tôi chỉ ngồi nhìn chúng viết. Tôi rất ghét nghe những lời than phiền giống như thế này: “Ôi, bọn trẻ chẳng viết được câu nào ra hồn cả…”. Có lẽ thế mà tôi phải gồng mình để làm Galile thôi…

       Tiết học ở lớp 11A.7, ngày 18/01/2017,Trường THCS-THPT Lạc Hồng. Bạn Trần Thị Bích Trâm viết: “Vào tiết văn đầu giờ, cô giáo cho tôi và các bạn xem một bộ phim ngắn có tựa đề “Những vòng xe”. Ban đầu tôi hơi bỡ ngỡ với cái tựa đề của phim. Tôi nghĩ chắc là một bài học trong sách giáo khoa được chuyển sang phim. Tôi đang loay hoay cất tập vào cặp, bỗng nghe tiếng nói từ phim “Tôi rất ghét chiếc xích lô tanh mùi cá của bố tôi. Tôi cũng ghét chiếc xe đạp gồ ghề cũ kĩ của mẹ tôi”. Câu nói làm tôi lặng người, hồi bé tôi cũng từng như thế…”

      Bộ phim đưa học trò của tôi về lại tuổi thơ. Có lẽ đây là dịp hiếm hoi để em nhìn về quá khứ một cách trưởng thành hơn. Em Trâm viết “ hồi bé có lúc tôi cũng từng như thế, thường mặc cảm khi ba mẹ mình chạy xe không đẹp như ba mẹ người ta, cũng sợ quê như bạn gái trong phim vậy.” Và đây là câu chuyện của gia đình trong phim… Người bố đạp xích lô chở cá thuê kiếm tiền, người mẹ đạp xe bán xôi khắp hang cùng ngõ hẻm. Đứa con gái lớn đi học. Hai thằng em nhỏ ở nhà…. Cuộc sống nghèo khổ, nhìn con mình xấu hổ, mặc cảm với bạn bè. Người đàn ông buông xuôi, đánh vợ rồi bỏ lại ba đứa con thơ đi biền biệt… Lát cắt của bộ phim làm em Trâm nhớ lại lời mẹ. Trâm viết “Mẹ tôi hay nói, lấy chồng mà kinh tế chưa ổn định thì ăn xong rồi chỉ cãi vã vì tiền bạc thôi. Hồi nhỏ tôi cũng từng nhìn thấy ... Lớn lên một chút tôi vẫn còn thấy đâu đó những cuộc cãi vã… đến mức có thể một người sẽ đi và một người ở lại…”. Giọng văn của Trâm buồn lắm, cứ như em đã sống từ rất lâu trên trái đất này rồi đấy…

       Cái nghèo, cái khốn khó của cuộc sống trong phim đi vào bài viết của học sinh Phùng Đại Tạm. Em viết “Thông điệp được đưa ra từ bộ phim chỉ là sự no đủ của người giàu có và sự thiếu thốn của người nghèo khó. …Cái thiếu thốn đã làm cho người đàn ông, trụ cột của các gia đình nhỏ bé ấy, phải bỏ nhà ra đi chỉ mong sao một ngày thoát khỏi sự nghèo khó. Còn đối với cô gái, khi nghĩ ra được thì chỉ biết học thật giỏi và sẽ mua xe máy cho mẹ đỡ nhọc nhằn… Cái ý nghĩ thật đẹp hiện ra khi cô gái ngồi trên chuyến xe lên Sài Gòn trọ học bằng những đồng tiền từ chiếc xe chở cá của ba và bán xôi của mẹ”… Cách nghĩ của em Đại Tạm hướng ra thế giới sống bên ngoài. Em cho rằng đó là sự “thiếu và đủ” của con người và nó cũng chính là số phận của mỗi người mà thôi.

       Ngôn ngữ điện ảnh có lực hấp dẫn riêng. Xem xong bộ phim, ai cũng thấy sao giống mình. Ở một góc kín nào đó của tâm hồn, một ước mơ, một khát vọng chợt bừng sáng, một uẩn khúc bỗng được tháo gỡ nhẹ nhàng. Em Phạm Thị Kiều Tiên bộc bạch “Tôi bắt đầu làm mọi thứ việc trong gia đình từ năm lớp ba. Tôi rất ghét phải làm những công việc đó. Tôi ghét luôn cả việc không còn được ba mẹ cưng chìu. Chỉ là một đứa trẻ tám tuổi, nhưng tôi lại nghĩ sao phải yêu thương người không hề thương yêu mình? Tôi cũng không có nhiều tình cảm với em trai vì nó được ba mẹ chiù chuộng,.. Năm nay tôi 18 tuổi. Xem phim, tôi thầm cảm ơn ba mẹ vì đã ép tôi làm được những việc đó. Tôi tự lập được mà không cần ai giúp. Tôi phải mất mười năm để biết được dù  ở xa nhau nhưng gia đình tôi vẫn rất hạnh phúc".

       Còn rất nhiều điều tôi biết được về các em chỉ bằng một bộ phim ngắn. Tôi không phải là một giáo viên đảm nhận công tác chủ nhiệm nhưng thấy mình cần biết về đời sống tâm hồn của những đứa trẻ và cũng cần biết gia đình ở đâu trong tâm hồn của chúng. Một bộ phim, một câu chuyện vào thời điểm thích hợp sẽ giúp cho các em hình thành sự nối kết giữa tâm hồn và cuộc sống. Đó là cơ hội để các em soi tỏ lòng mình, chia sẻ bộc bạch một cách tích cực. Nó khác hoàn toàn với việc chia sẻ thiếu định hướng trên mạng cộng đồng. Suy cho cùng, đây chính là trách nhiệm của người làm giáo dục trong thời đại mới.

      01/02/2017

      Đoàn Thị Minh Diễm,

      GV văn Trường THCS-THPT Lạc Hồng.