NỘI DUNG - HOẠT ĐỘNG
THÔNG TIN BỔ ÍCH
WEBSITE LIÊN KẾT
SƠ ĐỒ ĐƯỜNG ĐI
LƯỢT TRUY CẬP
16066746
Bài viết của giáo viên
  • NHỮNG CHUYÊN GIA “CHỮA BỆNH” CHO HỌC SINH “ĐẶC BIỆT” CỦA TRƯỜNG THCS và THPT LẠC HỒNG (Q12-TP HCM)
    • Để chọn cho con mình một môi trường giáo dục phù hợp không phải là điều dễ dàng đối với bất kì phụ huynh nào. Trong xu thế phát triển tất yếu của thị trường giáo dục, tính chất hiện đại không phải chỉ dừng lại ở tiêu chí cơ sở vật chất khang trang hay điều kiện..
    • Để chọn cho con mình một môi trường giáo dục phù hợp không phải là điều dễ dàng đối với bất kì phụ huynh nào. Trong xu thế phát triển tất yếu của thị trường giáo dục, tính chất hiện đại không phải chỉ dừng lại ở tiêu chí cơ sở vật chất khang trang hay điều kiện nhập học cao, thấp mà ở tính chất phù hợp với năng lực, phẩm chất của học sinh. Hằng năm, kết thúc một năm học, các trường đều có hoạt động tự đánh giá chất lượng giáo dục thông qua “đầu ra” là chất lượng sản phẩm học sinh. Để đảm bảo điều này, Trường THCS vàTHPT Lạc Hồng hướng đến sự phân loại năng lực học sinh ngay từ ngày đầu năm học. Mỗi khối đều có lớp chọn theo năng lực của học sinh: năng lực khoa học, năng lực xã hội. Trong quá trình giáo dục đương nhiên sẽ có những hạt sạn  nhỏ, đó là những học sinh “đặc biệt” hơn so với các em còn lại. Những em “đặc biệt” mà tôi muốn đề cập đến ở đây là những em có vấn đề về nhân cách và tâm lí do tác động của hoàn cảnh sống trước đó. Để hoàn thiện chất lượng giáo dục cho xã hội, Trường THCS và THPT Lạc Hồng mà người đứng đầu không ai khác là thầy Hiệu trưởng Trương Quang Ngọc, đã đặt ra tiêu chí đào tạo tích cực cho đội ngũ giáo viên với chức năng đặc thù của họ. Theo thầy Hiệu trưởng, mỗi giáo viên phải thể hiện chức năng giáo dục mà xã hội đã đặt lên vai họ một cách tốt nhất. Các thầy cô giáo không được thờ ơ với những “hạt sạn” nhỏ, phải biến chúng trở thành “hạt giống” tốt nhất có thể. Thầy nói rằng: “Thầy cô giỏi là những người thầy có khả năng cảm hóa, vun xới, làm giàu thêm trí tuệ, tâm hồn cho trẻ chứ không phải đơn thuần chỉ là việc dùng hạt giống tốt để cho ra hoa trái tốt.”.Câu nói của Thầy là động lực để tôi thực hiện cuộc trải nghiệm đầy thú vị ở ngôi trường này.

       

      Thầy HT Trương Quang Ngọc

       Cuộc trải nghiệm bắt đầu từ việc theo chân một phụ huynh vào thăm con đang học nội trú của Trường THPT Lạc Hồng. Tôi được tiếp xúc với một môi trường giáo dục khá đặc biệt. Chị phụ huynh mà tôi đi cùng là người ở một tỉnh miền Trung . Qua tiếp xúc tôi được biết con trai của chị từng có một quá khứ  không suôn sẻ trong việc học. Chị đến với trường như một cái duyên vậy. Ngồi cùng tôi ở ghế đá sân trường, chị kể rất say sưa và không che giấu được niềm hạnh phúc vô bờ về con trai của mình. Cũng từ đây tôi biết về những người Thầy mà sau này tôi mới có một tên gọi chính xác cho họ. Đó là “những chuyên gia điều trị bệnh lười  của học sinh”.

       

      Tâm lí phụ huynh thường ít muốn sống xa con. Họ luôn muốn nhìn thấy con lớn lên hằng ngày. Họ luôn muốn tham dự vào mọi hoạt động sống của con. Chính vì vậy, một khi chấp nhận sống xa con là khi họ đánh đổi cảm xúc thương yêu hưởng thụ hằng ngày để hi vọng con mình trở nên tốt hơn. Thật sự không có nơi nào khác ngoài trường học đáp ứng điều đó. Nhưng không phải trường nào cũng chấp nhận con họ, và cũng không phải thầy cô nào cũng là người bảo hộ cho việc con họ nên người. Muôn vàn nỗi lo toan hằng ngày, có nỗi lo nào hơn nỗi lo con hư. Nếu như bất kì ông bố bà mẹ nào cũng là chuyên gia dạy con thì ngành sư phạm sinh ra để làm gì. Như tìm đúng nơi cần đến, vị phụ huynh mà tôi được gặp ở sân trường không giấu được lòng biết ơn  khi nói về những người thầy của con trai mình.

       

      Con trai bà là em Nguyễn Tuấn Anh, theo học tại trường niên khóa (2013-2016). Bà nuôi con một mình suốt những ngày tháng đơn độc. Trước linh cữu người chồng quá cố, bà đã từng hứa sẽ nuôi dưỡng con nên người. Nhưng lời hứa trong lúc tuyệt vọng nhất lại là lời hứa có sức mạnh nhất trong việc nuôi con. Con trai bà đã trải qua những ngày tháng không cha. Miếng cơm manh áo, thuốc thang khi ốm đau, một tay bà lo toan. Nhưng không phải cứ bảo bọc là sẽ tốt. Sau những ngày mưu sinh khắc khổ, đêm về với những phàn nàn từ thầy cô, hàng xóm láng giềng khiến người mẹ tưởng chừng không thể sống nổi. Bà từng chong đèn thức đến khuya để chờ con về. Nó đang ở thế giới ngoài kia. Bà nhận ra điều tồi tệ đang đến với con mình. Cánh cửa mở, nó trở về với cánh tay đầy máu. Đây không phải lần đầu bà nhìn thấy con thảm hại như vậy. Nó bỏ học và tụ tập với đám bạn ngoài đường, nó đánh nhau, nó chửi thề, nó từng sinh sự với cả công an địa phương. Nó cũng đã từng bị dẫn về nhà trên xe đặc chủng…

       

      Bà được một người bạn giới thiệu đến ngôi trường này nhưng lần đầu bà e ngại vì xa quá. Hàng trăm cây số từ miền quê Quảng Ngãi vào đến Sài Gòn, bà không sợ mệt nhưng điều bà sợ nhất là không nhìn thấy con mỗi ngày. Nhìn di ảnh người chồng trên bàn thờ, bà có thêm sức mạnh để làm điều đó.Và thế là hôm nay bà đang ngồi chính nơi này để dự lễ trưởng thành & tri ân của con trai mình. Bà không tin đó là sự thật. Nhưng nó đã là sự thật.

       

      Thầy Trương Lê Quốc Nguyên (Thứ 1 từ phải sang) Cùng các thầy cô phát Học bổng cho học sinh Khá-Giỏi

       

      Một đứa con trai bước ra từ khu nhà nội trú, bước từng bước chắc chắn, mắt sáng, vầng trán rộng, khuôn mặt rất cá tính. Em nhìn tôi khẽ gật đầu rồi nhìn về phía mẹ. Bà níu tay con ngồi xuống cạnh mình. Có lẽ không có tôi bà đã ôm đứa con trai ấy vào lòng. Giây phút gặp gỡ như thể họ đã xa nhau từ lâu lắm. Tôi chia tay bà đem theo những mẩu chuyện về những con người mà bà nhớ rất rõ tên của họ. Tôi đặt tên cho họ là “những chuyên gia giáo dục”.

       

      Suốt buổi trò chuyện, người mà bà nhắc đến nhiều nhất đó là thầy Trương Lê Quốc Nguyên. Tôi biết thầy này vì đã có gặp vài lần ở trường. Nếu chỉ nhìn bề ngoài thì không nghĩ thầy là người nắm bắt tâm lí học sinh tốt như vậy. Ngày đón nhận Tuấn Anh vào nội trú, bà thấp thỏm lo sợ. Thầy nghiêm quá không biết có chấp nhận một học sinh đặc biệt như con mình không? Ánh mắt Tuấn Anh nhìn thầy không chút thiện cảm. Nỗi lo sợ của người mẹ nhân đôi. Chia tay con mà trong lòng bề bộn nỗi lo. Nhìn qua khe cửa phòng nội trú, bà thấy con trai đặt ba lô lên giường, chiếc giường tầng vẫn thường thấy ở khu tập thể. Không biết thầy đã nói gì mà Tuấn Anh vội đứng lên, bước ra ngoài, mắt nhìn mẹ, nói rất rõ “Mẹ về cho kịp xe, con không sao đâu.”. Hình như lần đầu tiên, nó quan tâm đến việc của bà. Con tim thắt lại nhưng bà vẫn mạnh mẽ bước đi. Trong suốt hành trình trên xe, bà tin đây là người thầy sẽ đem lại cho con bà giá trị sống đích thực.

       

       Tôi gặp thầy bằng một câu chuyện phiếm thường ngày, ly cà phê buổi sáng gần cổng trường. Thầy nói chuyện bằng giọng nói của người miền Trung, chả trách vì sao Tuấn Anh lại “chịu đèn” thầy Nguyên như vậy. Tôi gợi chuyện về Tuấn Anh, thầy cười thật lớn, cứ như nằm lòng về cậu học trò ấy vậy. -Chị hỏi Tuấn Anh à, 12A.2 phải không? Đang học Cao đẳng Điện lực Quảng Ngãi đấy!

       

      Trong ánh mắt có điều gì giống như người mẹ mà tôi gặp hôm trước. Sao giống thế nhỉ? Cả hai người đều tự hào về sản phẩm của họ - Một đứa con thành người, một cậu học trò đã trưởng thành thật sự. Thầy chậm rãi kể về những tháng ngày của cậu học trò đặc biệt. Ngày mới vào trường, Tuấn Anh rất ngỗ nghịch, bị  xếp vào nhóm học sinh “nổi loạn”  - loại học sinh thường thích làm điều ngược lại với người lớn. Gìơ cơm chiều lúc 17g45 thì Tuấn Anh sẽ ra phòng ăn lúc 18g00. Vài lần như thế, thầy cho phép Tuấn Anh phải ăn cơm lúc 18g00 thì Tuấn Anh lại ra phòng ăn đúng 17g45. Thầy bằng lòng với cách đó. Nếu muốn yêu cầu em làm gì thì phải nói ngược lại. Dần dần không thấy thầy phản ứng gì, em nhận ra rằng cách chơi trội của mình không có tác dụng. Từ đó, em chấp hành nội qui như các bạn khác mà quên rằng mình đã thường không như vậy. Đánh nhau là chuyện thường ngày của Tuấn Anh khi mới vào học, năm 2013-2014. Kiểm điểm, hạ bậc hạnh kiểm là những loại hình phạt không có trọng lượng với em này. Thầy nghĩ đến một cách khác. Một lần xảy ra chuyện đánh nhau giữa hai em học sinh lớp 9. Với tư cách là trưởng phòng nội trú nam, Tuấn Anh buộc phải dự buổi xét kỷ luật hai bạn ấy. Thầy cố tình ra ngoài và không quên trao lại trọng trách giải quyết sự việc cho Tuấn Anh. Câu nói đầu tiên của Tuấn Anh với thầy khi hội ý về việc này là: “Tụi nó lì ớn luôn thầy, thầy đuổi nó luôn đi”. Thầy cười: “Thầy đuổi học nó thì ai là người đuổi em?”. Thoáng chút tư lự, Tuấn Anh chợt hiểu ra điều gì đó, em nhìn thầy nói: “OK, thầy. Em hiểu thầy muốn gì rồi.” Từ đó, việc Tuấn Anh đánh nhau đã xóa khỏi nội dung họp của khu nội trú. Tuấn Anh không phải chỉ nổi loạn bằng việc cố tình làm trái nội qui, em còn là một tay “lười” có hạng. Những môn học bài như: Lịch sử, Giáo dục công dân, Địa lý, Ngữ văn … không nằm trong danh mục học bài của em học sinh này. Mặt khác, kiến thức về những môn tự nhiên cũng là số 0.Thầy nói giọng trầm tư “Chị à, lớp 10 mà phương trình bậc nhất không giải được.” Tôi hỏi “Vậy sao lại nhận vào trường?”.Thầy cười cười “Tụi em quen với những học sinh như thế rồi, không có loại học sinh này, tụi em ế việc hết”. Tôi đọc được bản lĩnh trong con mắt của người thầy này. Họ làm việc với học trò “đặc biệt” như những chuyên gia đặc biệt. Tôi tò mò “Vậy sao em này có thể vào cao đẳng được?”.Thầy cười phá lên “Chị muốn biết thật à? Chị xem này…” Tôi lại biết rằng, Tuấn Anh thường được sắp xếp chỉ bài cho các em lớp dưới trong giờ học. Cứ như chọc ngoáy vậy, Tuấn Anh không thể để mất sĩ diện với bậc đàn em được. Vậy là trong thời gian ngắn, không những phương trình bậc nhất mà cả bậc hai em cũng giải được… Thời gian cứ thế trôi qua, người thầy vẫn cứ chịu trận cho cái bệnh “lười” của học sinh. Nhưng mỗi lúc sự chịu đựng nhẹ nhàng hơn nhiều. Cuối cùng, thầy chỉ đứng nhìn Tuấn Anh ngồi học một mình tại căn tin trường trong khi mọi người đã ngủ. Nếu lúc ấy có yêu cầu em đi ngủ, em cũng khẩn khoản “Chút xíu nữa đi thầy”. .. Thầy kể rất nhiều nhưng với tôi vẫn chưa đủ. Tôi muốn biết ngoài Thầy Trương Lê Quốc Nguyên còn ai bên cạnh đứa con của người đàn bà góa chồng kia nữa… Theo lời bà, còn rất nhiều thầy cô bà phải mang ơn lắm… Kết thúc cuộc trò chuyện với người thầy quản nhiệm nội trú, tôi tìm đến một giáo viên có tên trong câu chuyện của người đàn bà kia. Đó là thầy Nguyễn Đăng Xuân Duy, giáo viên chủ nhiệm lớp 12A.2, năm cuối cấp của Tuấn Anh. Rất ngạc nhiên, Thầy Duy bảo rằng sẽ kể cho tôi nghe về một trường hợp khác “đặc biệt” hơn nhiều so với Tuấn Anh.

       

       

       Thầy Nguyễn Đăng Xuân Duy (Thứ 1 hàng đầu từ phải sang) Cùng các thầy cô phát Học bổng cho học sinh Khá-Giỏi

       

       Câu chuyện với thầy Duy được bắt đầu ngay tại sân trường trên hàng ghế đá được che mát rượi bởi bóng cây lộc vừng. Thầy Duy có dáng vẻ của một người thầy tất bật trong nghề nghiệp. Thầy vốn là một giáo viên chuyên phụ trách Toán lớp 12. Vì thế, nỗi lo càng in đậm trên khuôn mặt và cả trong lời kể. Câu chuyện kéo dài khoảng 30 phút về cậu học trò Nguyễn Phùng Thiên Nhật, lớp 12A.2, năm học 2015-2016.Thiên Nhật là học sinh thành phố. Cấp 2, em từng theo học ở các trường công lập, lực học yếu em phải theo học cấp 3 ở một trường Tư thục quận 9. Trước khi về với Trường Lạc Hồng, em đã bỏ học nửa năm lớp 11.Biết bao điều đã đến với em trong suốt thời gian này. Dấu ấn bụi đường khó phai nhất phải kể đến là những vết xăm trổ trên cơ thể của cậu học trò. Người đau lòng  nhất không phải là bố mẹ mà là bà ngoại. Bố mẹ li hôn, em sống với bà từ nhỏ.

       

      Bị tước quyền học tập từ một ngôi trường Tư thục quả không hề nhẹ nhàng. Em đến với Lạc Hồng bằng sự giới thiệu của bố mẹ một người bạn lớn tuổi. Bạn ấy đang theo học một trường đại học ở thành phố.  Lạ rằng, em tự nguyện vào học theo chế độ nội trú. Càng lạ hơn nữa, em bắt đầu học lại lớp 11 một cách vui vẻ. Để xóa được vết xăm trên cơ thể ấy là cả một sự quyết tâm cao độ. Không chỉ đau về thể xác mà còn hi sinh cả một thú vui riêng nữa. Nhưng em đã làm được điều đó chỉ sau một học kì. Còn một dấu ấn không đẹp nữa của tuổi học trò vương trên người em là mùi thuốc lá. Thầy Duy kể về việc này cho tôi một cách khó khăn “Chị à, thuốc lá rất khó bỏ, bắt nhiều lần, khuyên nhủ, kiểm điểm cũng không cho kết quả ngay được.”. Tôi hỏi: “Thế vẫn giữ lại à?”. Thầy bình tĩnh nói: “Nếu cho nghỉ học, liệu nó có bỏ thuốc không, hay lại có cơ hội hút nhiều hơn?”.“Vậy phải có cách chứ?” – Tôi hỏi. “Rất khó, nhưng em làm được.”– Thầy Duy nói. Và rồi cũng giọng trầm trầm, thầy kể về những lần hai thầy trò cùng xem thước phim phóng sự về những bệnh nhân ung thư phổi vì thuốc lá, về những lần đi theo em, ngồi cùng em trên ghế đá với nắm kẹo thuốc trên tay. Thầy nói: “Vất vả lắm chị ạ!”.Trông thầy lúc này như những ông thầy thuốc thật sự. Chẳng biết trường sư phạm có dạy cho họ điều này không nhỉ? Người thầy ở ngôi trường này có thêm nghề cai thuốc lá cho học sinh. Tôi gọi họ là “chuyên gia” đem đến giá trị sống thật sự cho bọn trẻ trong xu thế phát triển phức tạp của xã hội. Năm 12 đến với em Thiên Nhật rất “Chất”. Tôi cũng nên dùng từ này cho bọn trẻ. Thiên Nhật xác định rõ ước mơ của mình là trở thành thầy giáo dạy tiếng Anh. Ước mơ sư phạm được hình thành từ một cậu học trò bỏ học. Em học 12 bằng một thái độ tích cực và tự giác. Không bỏ phí một khoảnh khắc nào. Thứ 7, chủ nhật em rất ít về nhà, em học tiếng Anh và toán vào hai ngày này và thầy Duy chính là người ở bên em trong những lúc như vậy. Không còn vết xăm, không mùi thuốc lá, em đạt kết quả vào ngành luật sau khi được gia đình tư vấn. Em thật sự trưởng thành nhờ công lao của người thầy mà em nhớ suốt đời.

       

                  Kết thúc câu chuyện về người thầy tràn đầy nhiệt huyết với nghề, tôi tự hỏi còn ai khác nữa trong đội ngũ “Chuyên gia” mà tôi đã gặp. Phải có một yếu tố nào đấy thì ngôi trường này mới phát triển đáng nể như vậy. “Một con én không làm nên mùa xuân.” – Thật vậy, tôi phải tìm hiểu thêm về môi trường giáo dục ở đây. Chắc chắn phải có gì khác, vì đây là ngôi trường mà số học sinh tăng liên tục trong suốt 5 năm liền (2012 – 2017). Điều này là niềm mơ ước của các trường trong hệ thống ngoài công lập. Tôi tìm cách bắt chuyện với một bác bảo vệ già. Tôi nói rằng mình có một học sinh rất “đặc biệt” nên tìm một ngôi trường nào đó phù hợp. Bác cười cười : “Tôi chỉ cho cô nhé, có một cô giáo rất đặc biệt, có lẽ cô ấy là người mà cô đang tìm.” Ngón tay bác chỉ vào căn phòng đầu tiên của dãy hành lang lớp học. Một cô giáo đang ngồi trên ghế đá. Khuôn mặt không còn trẻ lắm nhưng cũng chưa đủ già để tôi tin rằng cô ấy có kinh nghiệm giáo dục. Nhưng đã gọi rằng tìm thì phải thử thôi. Tôi làm quen một cách dễ dàng vì cô ấy nói chuyện rất “mộc”. Dù không nói về chuyên môn nhưng tôi được biết cô ấy dạy văn của khối 11. Cô tên là Đỗ Thị Thịnh, nghĩa là “sự giàu có”. Cô nói giọng nhỏ nhẹ. Để không mất nhiềuthời gian, tôi hướng câu chuyện đến điều cần biết. Cô bắt đầu kể… Em học trò mà cô yêu thương nhất đó chính là Nguyễn Lương Triều Vỹ, học sinh lớp 11A.1. Một học sinh thật khó quên với cô. Em chuyển về đây từ một trường danh tiếng trong thành phố. Đó là trường Năng khiếu Quốc gia. Lớn lên trong một gia đình khá giả. Là con duy nhất trong một gia đình có bố mẹ thành đạt. Vì đoạn đường từ quận 12 đến trường học khá xa nên bố mẹ phải thuê nhà trọ cho em ở lại. Nhưng thời gian trôi qua, họ phát hiện con mình có dấu hiệu trầm cảm. Áp lực học tập nơi ngôi trường danh tiếng ấy đã làm cho con trai họ không làm chủ được bản thân. Em sợ tất cả mọi thứ, sống cô lập như một người tự kỉ. Nỗi ám ảnh về sự cạnh tranh điểm số của các bạn làm em tự buông xuôi. Và họ đã đi đến một quyết định đúng đắn khi tìm đến trường Lạc Hồng và may mắn hơn khi giáo viên chủ nhiệm của em lại chính là cô Thịnh. Đúng với ý nghĩa của cái tên mà cô đang mang – sự giàu có, cô rất giàu về tình yêu thương. Triều Vỹ gặp một trở ngại lớn về sự hòa hợp mặc dù em rất thông minh. Với Vỹ, cô không chỉ là cô mà còn là một người mẹ thật sự của em nữa. Mọi sinh hoạt trong cuộc sống ở trường của Vỹ, cô đều quan tâm. Tôi hỏi: “Có khi nào em phải chịu đựng vì học trò đặc biệt này không?” Cô hồn nhiên: “Không đâu chị ơi, em thấy thương như con mình thôi.” Lúc đầu Vỹ rất sợ các bạn, mọi hành động của các bạn đều làm cho Vỹ thu người lại và phát đi tín hiệu cần giúp đỡ. Lúc ấy, cô Thịnh là một người có khả năng che chở cho Vỹ hiệu quả nhất. Một vòng tay, một cái ôm, một nụ cười trấn an đúng lúc là những liều thuốc đặc trị hữu hiệu nhất. Với Vỹ,  cô không cần hướng dẫn giải bài tập chỉ cần cô nói rằng cái đó an toàn  là tốt với em rồi. Vì vốn Vỹ rất thông minh, đặc biệt rất giỏi tiếng Anh. Cô đã giúp cho em phục hồi kỹ năng sống hòa hợp như trước kia. Qủa thật, môi trường học của Lạc Hồng đã đưa trả lại cho gia đình ấy một đứa con lành lặn về tâm lí cũng như trí tuệ. Tôi không gặp được phụ huynh của Vỹ, tôi đang đặt mình vào vị trí của họ để nói lời tri ân đến các “chuyên gia tâm hồn” của ngôi trường này mà thôi. Kết thúc lớp 12, Vỹ đạt kết quả khó tin. Em trúng tuyển vào hai trường đại học. Một là Trường Đại học FPT, ngành tin học. Hai là  Trường Đại học Bách khoa, Thành phố HCM, ngành điện tử. Em hòa nhập vào cuộc sống như chưa bao giờ bị gían đoạn vậy.

       

                  Qua tìm hiểu, tôi được biết có rất nhiều học sinh bước ra từ ngôi trường này đã thành đạt trong tương lai. Để có được sự thành đạt như vậy, ngoài sự nỗ lực của bản thân các em, sự nỗ lực của những người thầy còn có nhiều yếu tố khác nữa. Điều đáng ghi nhận ở đây chính là chế độ khuyến học của thầy hiệu trưởng. Các em Tuấn Anh, Thiên Nhật, Triều Vỹ là những học sinh đã nhận được học bổng định kì của trường sau một năm học phấn đấu. Kể cho tôi nghe những điều này, thầy không giấu được niềm tin, niềm tự hào về chủ trương đúng đắn đầy chất nhân văn của mình. Thầy nói: “Cái gì cũng thế, niềm tin luôn đóng vai trò quan trọng. Phải làm cho phụ huynh tin vào chân lí giáo dục của nhà trường: Lợi nhuận của trường chính là sự thành đạt của con em họ.” Thông điệp giáo dục ấy là phương châm  hoạt động của nhà trường trong suốt nhiều năm nay.

       

       

       Cô Đỗ Thị Thịnh Cùng (Thứ 1 bên phải sang) cùng các thầy cô phát Học bổng cho học sinh Khá-Giỏi

       

      Kết thúc cuộc “phiêu lưu” của mình, tôi nhận ra: Hầu như, thầy cô ở ngôi trường này là những “chuyên gia” chữa trị các “căn bệnh” của học sinh. Có căn bệnh lười học, có căn bệnh đúng là bệnh như em Vỹ. Và còn biết bao các trường hợp khác nữa mà tôi chưa được thấy. Có lẽ, các ông bố, bà mẹ là những người cần quan tâm đến việc nên chọn cái gì ở một ngôi trường cho phù hợp với con mình. Nên chăng họ phải tìm cho con mình những “chuyên gia giáo dục” thật sự. Đó là những con người có thể cảm hóa về nhân cách, về trí tuệ, có thể trau dồi kỹ năng sống một cách kịp thời cho bọn trẻ tự tin bước vào đời.

       

       

      Lạc Hồng 27.3.2017

      Tác giả: Đoàn Thị Minh Diễm