- LƯỜI HỌC VÀ CHƯA NGOAN- GIẢI PHÁP HIỆU QUẢ
- Theo như giáo lí nhà Phật, con người chúng ta gặp nhau ở kiếp này là do có duyên từ kiếp trước. Tôi không biết kiếp trước mình được gặp những ai và làm được bao nhiêu điều thiện mà ở kiếp này tôi được làm “người lái đò” để chở những vị khách đặc biệt qua sông, trên những chuyến đò ấy tôi nhớ mãi trong lòng những vị khách của mình.
- Theo như giáo lí nhà Phật, con người chúng ta gặp nhau ở kiếp này là do có duyên từ kiếp trước. Tôi không biết kiếp trước mình được gặp những ai và làm được bao nhiêu điều thiện mà ở kiếp này tôi được làm “người lái đò” để chở những vị khách đặc biệt qua sông, trên những chuyến đò ấy tôi nhớ mãi trong lòng những vị khách của mình.
Nếu ai hỏi tôi nhớ nhất học sinh nào trong cuộc đời dạy học của mình ở trường THCS-THPT Lạc Hồng, chắc chắn tôi sẽ nói tôi nhớ nhiều đến những em học sinh ngoan, học giỏi như Thanh Minh, Diễm Mi, Viết Thi, Hồng Ngọc, … nhưng học sinh để lại cho tôi nhiều ấn tượng nhất, có động lực để làm nghề nhất là em Hoàng Long niên khóa 2010-2014. Em Long bắt đầu nhập học ở trường THCS-THPT Lạc Hồng năm lớp 9, lúc đó tôi là giáo viên quản chủ nhiệm của em. Ngày mới vào trường em là một học sinh cá biệt, ngồi trong lớp rất lười học bài, lười ghi chép chỉ thích nói chuyện, làm hoạt náo viên, tính tình cực kì nóng nảy có phần vô lễ. Cứ mỗi lần có giáo viên nhắc nhở em học bài là em cự cải, có lúc tức giận em lao ra khỏi phòng đóng cửa rầm một cái tưởng chừng vỡ kính. Lúc đó tôi biết được nếu em nóng tôi cũng nóng thì “hư bột hư đường” nên tôi kiềm chế để em ra ngoài ngồi. Đợi khi em bình tỉnh trở lại tôi mới nói chuyện giải thích đúng sai trái phải để em hiểu ra vấn đề rồi cho em vào học tiếp. Số lần em mắc lỗi như vậy cũng khá nhiều, tuy nhiên mức độ ngày càng nhẹ đi. Những lúc như vậy tôi biết em đang tiến bộ nên lặng lẽ giúp đỡ em. Có những lúc cô trò ngồi nói chuyện vui với nhau tôi nói với em : không biết em có tốt nghiệp được cấp hai nổi không, lúc đó em trả lời nếu em đậu tốt nghiệp cấp hai mẹ em sẽ làm cỗ khao cả trường này luôn. Còn mẹ em mỗi lần tôi mời chị lên trường trao đổi về việc học tập và rèn luyện của Long chị đều cộng tác rất nhiệt tình, nhờ tôi và nhà trường giúp đỡ. Có những lúc chị chia sẻ rất thật lòng “Trước khi cho cháu xuống đây học chị tính cho cháu vào trại giáo dưỡng nhưng các anh công an trên đó nói cháu chưa làm gì vi phạm pháp luật nên không cho vào. Chị cũng sợ nó học theo một số bạn xấu đi qua Campuchia đánh bài rồi gây ra nhiều hậu quả khôn lường nên gửi cháu vào nội trú nhờ nhà trường chỉ dạy”.
Nhờ có sự kết hợp giữa nhà trường và gia đình mà cuối năm Long cũng đủ điều kiện để xét tốt nghiệp cấp 2.
Tuy nhiên đó chỉ là thành công đầu tiên, còn chặng đường em học cấp 3 mới đầy thử thách bởi những thói xấu em học phải ở ngoài xã hội. Sau thời gian nghỉ hè, tính lười biếng trở lại. Trong giờ học em vẫn không tập trung theo dõi bài giảng bị thầy cô nhắc nhở nhiều lần. Phải sau một tháng nhập học được thầy cô dìu dắt thì việc học có phần khả quan hơn. Tính nóng giận vẫn còn nhưng số lần vi phạm đã bắt đầu ít lại, thích học nhiều môn nhất là các môn xã hội, em học bài rất nhanh thuộc. Năm này em học lớp 10A2, được sự dìu dắt của thầy Trịnh Thanh Tuấn dạy toán, thầy rất tâm lí có phương pháp giáo dục tốt nên đã giúp Long thích học môn toán. Cứ như vậy em cố gắng vươn lên để học. Chứng kiến sự tiến bộ cuả em chúng tôi chưa vội mừng thì đến năm lớp 11 em lại sinh chuyện đòi nghỉ học do khoảng thời gian tết ở nhà em có chơi với một số bạn xấu nên đua đòi ăn chơi, cầm xe của mẹ lấy tiền tiêu xài, lên trường quậy phá không chịu học làm thầy cô phiền lòng. Lúc đó thầy hiệu phó quyết định đuổi học, lúc này tôi phải suy nghĩ rất nhiều: nếu để em nghỉ học thì phí quá, bao nhiêu năm phấn đấu giờ đổ ra sông ra biển. Mà giờ này không đi học em sẽ lại đi chơi với bạn xấu nữa lúc đó cuộc đời em coi như chấm hết. Chỉ có đi học là giải pháp tốt nhất cho em lúc này. Suy nghĩ giữa được và mất tôi đã đến xin thầy hiệu phó bảo lãnh cho em. Vậy là với sự bảo lãnh của tôi cộng với sự nhiệt tình, thiện chí của phụ huynh nhà trường đã giữ em lại và cho em tiếp tục trên con đường học tập.
Nhưng tôi lại gặp khó khăn là không chủ nhiệm em. Chỉ còn cách là sau giờ học ngày nào tôi cũng nói chuyện với em. Lúc này tôi không chỉ là một cô giáo mà còn là một người mẹ người chị và một người bạn để chia sẻ những vui buồn trong cuộc sống với em. Vì vậy em đã cởi mở hết lòng mình và hứa với tôi sẽ cố gắng nhiều hơn.
Vấp ngã lần này cùng với sự răn đe nghiêm khắc của nhà trường dường như đã giúp em hiểu ra giá trị của sự học nên tôi thấy em ngày càng tiến bộ không bị thầy cô phàn nàn nhiều nữa .
Lớp 12 thực sự là một đột phá, tôi thấy em có tiến bộ nhiều, được thầy quản chủ nhiệm Vũ Minh Khánh giao cho làm lớp phó kỷ luật, em làm rất tốt công việc của mình, chăm học ngoan ngoãn nghe lời thầy cô. Lúc này tôi thấy em đã trưởng thành nên không phải lo lắng cho em nữa, kết quả thi tốt nghiệp của em càng làm cho tôi và gia đình em thấy hạnh phúc. Em đã đậu tốt nghiệp lớp 12.
Mới đây khi về trường lấy bằng tốt nghiệp, tôi có hỏi em học trường nào thì được biết em đang học một trường cao đẳng ở Bình Dương bên khoa y. Nhìn em mập mạp, phong độ chững chạc khác hoàn toàn với em Long ngày mới nhập học ở lớp tôi.
Sự tiến bộ từng ngày của các em làm cho tôi có thêm động lực để làm nghề. Bây giờ nhận những lứa học sinh mới vào trường, lúc đầu các em cũng ngỗ ngáo chưa ngoan do các em đã nhiễm nhiều thói xấu ngoài xã hội. Nhưng với tấm lòng yêu nghề, mến trẻ và kinh nghiệm nghề nghiệp nên giờ đây chúng tôi rất tự tin trong việc giáo dục, giúp đỡ để các em có được một tương lai tốt đẹp hơn.
Để chúng tôi có được thành công đó thì vai trò của thầy hiệu trưởng Trương Quang Ngọc là cực kì quan trọng. Thầy thường xuyên lắng nghe những tâm tư nguyện vọng của giáo viên, phụ huynh và học sinh từ đó tư vấn chỉ đạo cho chúng tôi đi đúng hướng, làm mọi cách có thể có lợi nhất cho quyền lợi của học sinh. Bởi vì thầy không làm giáo dục vì lợi nhuận mà vì muốn góp một phần sức lực của mình vào tương lai của thế hệ trẻ. Nhờ sự chỉ đạo đúng đắn của thầy, sự yêu thương học sinh như con của đội ngũ giáo viên Lạc Hồng chúng tôi mà các em học sinh ngày càng chăm ngoan, học giỏi hơn như quyết tâm của thầy:”Học sinh chưa chăm khi vào học tại trường Lạc Hồng chắc chắn sẽ ngoan hơn và chăm chỉ hơn” .
Trong khuôn khổ bài viết không thể kể tên hết tất cả những học sinh đã để lại những ấn tượng tốt trong lòng tôi nhưng từ bốn phương trời xa tôi vẫn biết các em vẫn đang ngày đêm học tập, làm việc để cống hiến cho đất nước và những lời dạy dỗ của chúng tôi đang được các em vận dụng vào cuộc sống và công việc. Xin chúc các em học sinh đã và đang là học sinh của trường THCS-THPT Lạc Hồng quận 12 TPHCM luôn thành công trong cuộc sống.
Đỗ Thị Thịnh
(Giáo viên-Trường THCS và THPT Lạc Hồng)
- KỆ SÁCH NHỎ
- GÓC NHÌN TỪ GAME SHOW “EM YÊU VĂN HỌC”
- VỖ TAY-VIỆC NHỎ, Ý NGHĨA LỚN
- CẢM XÚC NGÀY KHAI TRƯỜNG
- DÂN VŨ, KHIÊU VŨ - MÔN HỌC THỜI THƯỢNG
- MÙA ĐI HỌC …
- NĂNG LỰC CHUYÊN BIỆT VÀ NHỮNG MÔN HỌC LẠ
- TÌNH KHÚC CÔ TẤM LẠC HỒNG….
- NHỮNG CHUYÊN GIA “CHỮA BỆNH” CHO HỌC SINH “ĐẶC BIỆT” CỦA TRƯỜNG THCS và THPT LẠC HỒNG (Q12-TP HCM)
- Sự kết nối từ những tiết học cuối năm!
- Âm thanh lớp học !