- NĂNG LỰC CHUYÊN BIỆT VÀ NHỮNG MÔN HỌC LẠ
- Chương trình giáo dục tổng thể vừa được Bộ GD&ĐT thông qua ngày 28-7-2017. Nếu không có gì thay đổi, năm học 2018-2019, chương trình này sẽ được áp dụng cho lớp 6 và lớp 10. Chương trình nhằm phát huy 5 phẩm chất và 10 năng lực của học sinh. Năm phẩm chất bao gồm: Yêu nước – Nhân ái- Chăm chỉ - Trung thực – Trách nhiệm.
-
Chương trình giáo dục tổng thể vừa được Bộ GD&ĐT thông qua ngày 28-7-2017. Nếu không có gì thay đổi, năm học 2018-2019, chương trình này sẽ được áp dụng cho lớp 6 và lớp 10. Chương trình nhằm phát huy 5 phẩm chất và 10 năng lực của học sinh. Năm phẩm chất bao gồm: Yêu nước – Nhân ái- Chăm chỉ - Trung thực – Trách nhiệm. Mười năng lực bao gồm ba năng lực chung: Tự chủ - Tự học; Giao tiếp – Hợp tác; Giải quyết vấn đề - Sáng tạo. Bảy năng lực còn lại tùy vào tính chất bộ môn: (năng lực ngôn ngữ, năng lực tính toán, năng lực tìm hiểu tự nhiên và xã hội, năng lực công nghệ, năng lực tin học, năng lực thẩm mỹ, năng lực thể chất). Đây cũng chính là mục tiêu của một nền giáo dục hiện đại.
Tại nhiều quốc gia, các nhà giáo dục vẫn luôn cố gắng hiện đại hóa chương trình giảng dạy bằng cách thiết kế những môn học độc đáo và hấp dẫn hơn cho học sinh. Ví dụ: Ở Nhật Bản, muốn rèn luyện cho các em năng lực thẩm mỹ, nhà trường dạy cho các em môn học “Quan sát môi trường tự nhiên”. Bài kiểm tra đánh giá năng lực này rất đơn giản . Đó là yêu cầu “Vẽ hoặc tả lại cảnh đẹp trên quê hương em”. Để rèn năng lực kiên nhẫn, tập trung, chính xác, họ dạy các em cách nuôi ong, lấy mật ong, xử lí nọc độc khi bị ong đốt….Để rèn năng lực thể chất, người Úc đã dạy cho các em môn thể thao lướt sóng. Để rèn năng lực thẩm mỹ và phẩm chất yêu nước, người Armenia đã dạy cho các em môn học “Dân vũ”. Và đây là một môn học bắt buộc trong chương trình học của các em. Armenia cũng là dân tộc có nhiều điệu múa dân gian nhất thế giới – 1.500 điệu múa dân tộc. Phần Lan là quốc gia có nền giáo dục đáng ngưỡng mộ nhất thế giới. Để rèn năng lực sáng tạo, một số trường học phổ thông ở Phần Lan không dạy theo môn học. Họ dạy trên những sự kiện, hiện tượng hoặc học sinh tự chọn chủ đề theo góc độ cá nhân. Ví dụ: Chủ đề “Dân nhập cư” ….
Vấn đề này gợi ra ý tưởng trong việc thiết kế môn học của các nhà giáo dục Việt Nam hiện nay. Suốt nhiều thập kỉ qua, các trường học Việt Nam đang cố thoát ra khỏi chiếc áo dạy và học truyền thống – Phương pháp dạy học một chiều. Đã nhiều lần thay sách giáo khoa, đổi mới phương pháp dạy học…, nhưng xem chừng vẫn chưa đồng bộ. Đối diện với việc đổi mới chương trình giáo dục tổng thể lần này, các thầy cô giáo hãy mạnh dạn thiết kế những môn học lạ để làm sống dậy các năng lực vốn tiềm ẩn bên trong các em. Hầu hết các môn học đều phù hợp với năng lực chung (Đọc – Hiểu – Thực hành). Nhưng có những môn học đòi hỏi năng lực đặc thù: Năng lực giao tiếp, Năng lực nghệ thuật, Năng lực khoa học. Năng lực đặc thù do một số môn học tạo thành. Ví dụ: Năng lực giao tiếp (Ngữ văn, Ngoại ngữ), Năng lực thẩm mỹ (Các môn nghệ thuật), Năng lực khoa học (Toán và những môn tự nhiên khác). Trong chương trình giáo dục tổng thể sắp triển khai của Bộ Gíao dục Việt Nam đã có những môn học “mới” nhưng không “ lạ” Ví dụ: Ngoại ngữ 2 (Tiếng dân tộc), Giáo dục kinh tế, pháp luật. Nếu không thiết kế được những môn học “lạ” thì xem chừng làm cho thầy cô và học sinh thêm áp lực. Có những tên gọi môn học như “Hoạt động trải nghiệm, giáo dục địa phương” mang tính cụ thể “trải nghiệm, địa phương” nhưng kì thực rất chung chung. Vì vậy, để đáp ứng đúng mục tiêu của chương trình này, các thầy cô phải thiết kế được những môn học “lạ” mới tạo nên động lực, niềm đam mê trong học tập. Những môn học “lạ” hấp dẫn ngay từ cái tên gọi, không hàn lâm, rất cụ thể mà thú vị. Đó là những môn học mang tính thông điệp. Sau đây là những tên gọi gợi ý: “ Nghệ thuật đi bộ, 10 ngàn một ngày vẫn sống tốt, Dân vũ nước tôi, Vũ điệu đường phố, Rượu gạo và bánh cốm, Bơi giỏi có cứu được người đuối nước?, Công dụng của đôi bàn tay. Nghệ thuật thu hút côn trùng, Đường lên đỉnh Olmypia là đỉnh hay điểm xuất phát?”.
Để thiết kế được những môn học “lạ”, các thầy cô phải có năng lực quan sát cuộc sống, phát hiện những sự kiện, hiện tượng đang có và dự đoán cái sẽ có trong tương lai. Sử dụng nguyên liệu trong thực tế để định hướng cách giải quyết vấn đề của các em trong quá trình tiếp cận môn học.
GV Đoàn Minh Diễm – Trường THCS-THPT Lạc Hồng
- KỆ SÁCH NHỎ
- GÓC NHÌN TỪ GAME SHOW “EM YÊU VĂN HỌC”
- VỖ TAY-VIỆC NHỎ, Ý NGHĨA LỚN
- CẢM XÚC NGÀY KHAI TRƯỜNG
- DÂN VŨ, KHIÊU VŨ - MÔN HỌC THỜI THƯỢNG
- MÙA ĐI HỌC …
- LƯỜI HỌC VÀ CHƯA NGOAN- GIẢI PHÁP HIỆU QUẢ
- TÌNH KHÚC CÔ TẤM LẠC HỒNG….
- NHỮNG CHUYÊN GIA “CHỮA BỆNH” CHO HỌC SINH “ĐẶC BIỆT” CỦA TRƯỜNG THCS và THPT LẠC HỒNG (Q12-TP HCM)
- Sự kết nối từ những tiết học cuối năm!
- Âm thanh lớp học !