- VỖ TAY-VIỆC NHỎ, Ý NGHĨA LỚN
Vỗ tay là việc làm dễ dàng nhưng chúng ta rất ít khi làm đúng. Bài viết này giúp các em không những vỗ tay đúng lúc mà còn hiểu sâu sắc hơn rằng “Vỗ tay là nét đẹp văn hóa” chỉ có ở con người. Có rất nhiều điều để bàn về thói quen vỗ tay của người Việt Nam. Nhưng trong bài viết này, tôi gói gọn việc vỗ tay vào những trường hợp..
Vỗ tay là việc làm dễ dàng nhưng chúng ta rất ít khi làm đúng. Bài viết này giúp các em không những vỗ tay đúng lúc mà còn hiểu sâu sắc hơn rằng “Vỗ tay là nét đẹp văn hóa” chỉ có ở con người. Có rất nhiều điều để bàn về thói quen vỗ tay của người Việt Nam. Nhưng trong bài viết này, tôi gói gọn việc vỗ tay vào những trường hợp cụ thể để các em có thể áp dụng hiệu quả.
Trước hết, các em cần hiểu “Vỗ tay” là tự nguyện, không “Xin – cho”. Vỗ tay đồng nghĩa với lời cảm ơn. Thay vì các em nói bằng lời “Cám ơn bác, cô, thầy đến dự lễ cùng chúng em.” thì tiếng vỗ tay sẽ chuyển âm thanh cám ơn đến các vị khách quí – những người đã bỏ thời giờ quí báu đến chia vui cùng các em trong những sự kiện đặc biệt. Vậy, các em hãy vỗ tay sau khi người dẫn chương trình giới thiệu ai đó đã đến dự lễ cùng chúng ta. Theo cách hiểu này, các em cũng nên vỗ tay khi ai đó giúp vui cho buổi lễ thêm sôi động như các tiết mục văn nghệ - khi bắt đầu và khi kết thúc. Trên tinh thần tự nguyện, vì thế không phải chờ đến lúc người dẫn chương trình “Xin” thì chúng ta mới “cho” – vỗ tay. Bất cứ một sự đóng góp nào của ai đó nhằm làm cho sự kiện thêm phần long trọng, chúng ta cũng hãy gửi đến họ lời cám ơn bằng tiếng vỗ tay thật tâm nhất.
Vỗ tay không chỉ dừng lại ở ý nghĩa thay cho lời cám ơn. Vỗ tay còn thể hiện thông điệp sẻ chia. Điều này áp dụng khi các em đang tận hưởng sự cống hiến của ai đó: Ca sĩ đang hát, thầy giáo đang giảng bài, bạn đang diễn thuyết, thầy hiệu trưởng đang đọc diễn văn… Nhưng vì một lí do nào đó khiến họ rơi vào tình trạng “Quên bài”, tiếng vỗ tay của các em lúc này đồng nghĩa với sự khích lệ, động viên, giúp họ cảm thấy được cảm thông và tự tin thực hiện tiếp công việc của mình. Cùng với thông điệp sẻ chia, vỗ tay còn thể hiện sự ngưỡng mộ trước một tài năng, một việc làm “anh hùng”. Tiếng vỗ tay vang lên khi người trình bày vừa thể hiện nội dung một cách xuất sắc bất ngờ, đầy kịch tính: Thầy giảng quá hay một đoạn thơ, Ca sĩ lên giọng cao thật điệu luyện, một bạn diễn thuyết xuất chúng. Trong giờ học, tiếng vỗ tay sẽ vang lên khi ai đó xung phong nhận nhiệm vụ “khó nuốt” của cả tập thể lớp.Khi đó, họ là “anh hùng” và tiếng vỗ tay chứa thông điệp của sự ngưỡng mộ, lòng cám ơn của tập thể lớp gửi đến họ.
Vì vỗ tay là tự nguyện nên các em cần chú ý cách vỗ tay . Vỗ tay phải thật tâm. Hai cánh tay giơ cao quá đầu một chút, vỗ ra tiếng, hai lòng bàn tay phải tiếp xúc trùng khít với nhau, mắt nhìn về phía người đón nhận. Không la ó, hoặc huýt sáo, không nhổm người dậy, rời khỏi ghế, không trèo lên thành ghế … Đặc biệt không kéo dài tiếng vỗ tay khi họ đã kết thúc hoặc có thể tiếp tục.
Dấu hiệu nào giúp tập thể vỗ tay cùng một lúc mà không phải lệ thuộc vào tâm lí đám đông? Điều này phụ thuộc vào người điều khiển chương trình hoặc người đang thể hiện phần trình bày. Người điều khiển chương trình phải tạo ra một dấu hiệu kết thúc phần nói của mình: cao trào như một hiệu lệnh vô hình đi kèm với ngôn ngữ hình thể cánh tay hướng về người được giới thiệu hoặc hạ thấp giọng, nhỏ dần để kết thúc bài phát biểu của mình kèm theo ngôn ngữ hình thể cúi chào. Khi trình bày tập thể, cần có đại diện nói lời cám ơn người nghe, vì như vậy người nghe sẽ nhận được tín hiệu kết thúc, họ sẽ vỗ tay để nói lời cảm ơn …
Trên đây là sự chia sẻ ngắn gọn, giúp các em ý thức trong việc vỗ tay ở các sự kiện, các hoạt động cộng đồng, hoặc ngay trong công việc hằng ngày là giờ học. Phải nhớ rằng đó là nét đẹp văn hóa của con người và cũng là để giúp trang bị cho các em hành trang ứng xử văn minh trong cuộc sống hiện đại.Cô Minh Diễm - GV Trường THCS-THPT Lạc Hồng
- KỆ SÁCH NHỎ
- GÓC NHÌN TỪ GAME SHOW “EM YÊU VĂN HỌC”
- CẢM XÚC NGÀY KHAI TRƯỜNG
- DÂN VŨ, KHIÊU VŨ - MÔN HỌC THỜI THƯỢNG
- MÙA ĐI HỌC …
- NĂNG LỰC CHUYÊN BIỆT VÀ NHỮNG MÔN HỌC LẠ
- LƯỜI HỌC VÀ CHƯA NGOAN- GIẢI PHÁP HIỆU QUẢ
- TÌNH KHÚC CÔ TẤM LẠC HỒNG….
- NHỮNG CHUYÊN GIA “CHỮA BỆNH” CHO HỌC SINH “ĐẶC BIỆT” CỦA TRƯỜNG THCS và THPT LẠC HỒNG (Q12-TP HCM)
- Sự kết nối từ những tiết học cuối năm!
- Âm thanh lớp học !