NỘI DUNG - HOẠT ĐỘNG
THÔNG TIN BỔ ÍCH
WEBSITE LIÊN KẾT
SƠ ĐỒ ĐƯỜNG ĐI
LƯỢT TRUY CẬP
15673315
Mẩu truyện học tập
  • - Bức thư của cha dặn con về 9 điều đáng nhớ trong cuộc đời.
    •  

      Cha mẹ nào cũng luôn mong ở bên cạnh con đến suốt cuộc đời để che chở, để bảo vệ cho con. Thế nhưng, cha mẹ rồi cũng già đi, con cái cũng dần lớn lên và xây dựng cuộc sống riêng cho mình. Người cha dưới đây lo sợ một ngày nào đó mình không còn nữa nên viết bức thư căn dặn con trai đến tuổi trưởng thành khiến bao người xúc động.

      "Con trai yêu quý! Đời người phúc họa vô thường, không ai biết trước mình sẽ sống được bao lâu và sẽ ra đi lúc nào. Vì vậy, con hãy nhớ 9 điều cha căn dặn dưới đây, lỡ mai này cha không còn bên cạnh con nữa, nó sẽ là hành trang để con từng bước trưởng thành trong cuộc đời..

      Thứ nhất, không nên để tâm đến những người đối xử không tốt với mình. Trong cuộc đời này, không ai có bổn phận phải đối xử tốt với con cả, ngoại trừ cha và mẹ của con. Nếu có người đối xử không tốt với con thì không nên để tâm làm gì cho mất thời giờ, hãy coi đó là chuyện hiển nhiên. Tuy nhiên, nếu có người đối xử tốt với con, ngoài việc con phải biết ơn thì con cũng nên cẩn trọng một chút vì ngoài cha mẹ ra, không ai đối xử tốt với con vô điều kiện cả, chớ có vội vàng vui mừng và cho đó là bạn tốt của mình.

      Thứ hai, không có người nào có thể thay thế hay tồn tại mãi với mình được. Hãy học cách chấp nhận, nếu người bạn đời của con không còn muốn cùng con đi trọn cuộc đời hay con bị mất đi thứ mình quý trọng nhất thì con cũng nên hiểu: đó không phải là chuyện gì to tát, đáng sợ cả.

      Thứ ba, đời người ngắn ngủi, hãy biết quý trọng tính mạng và biết tận hưởng cuộc đời mình càng sớm càng tốt. Hãy cứ cống hiến và hưởng thụ hết mình bởi đời người không sống được bao lâu, đừng để thời gian trôi qua một cách vô nghĩa rồi đến lúc quay lại để hưởng thụ thì mình đã già mất rồi.

      Thứ tư, trên đời không hề có chuyện yêu thương bất diệt, vì thế không nên quá bi lụy vì thất tình. Đau khổ nào rồi cũng dần qua đi theo năm tháng, đừng vì chút tình cảm nhất thời mà cứ ôm mãi ảo ảnh về những thứ tình cảm thuộc về mình. Đừng quá bi lụy, đừng một mực cho rằng mất đi người đó thì mình không sống được.

      Thứ năm, mặc dù có nhiều người thành công mà không cần học hành nhiều nhưng không có nghĩa là không cần học nhiều sẽ thành công. Tuy trên thế giới có nhiều tấm gương tài giỏi, giàu có mà không cần học, thế nhưng ta có thể lập nên sự nghiệp với bàn tay trắng nhưng trong tay không thể không có tấc sắt. Kiến thức vẫn luôn là vũ khí quan trọng trong tay mình.

      Thứ sáu, cha không yêu cầu các con phải phụng dưỡng cha trong quãng đời còn lại và ngược lại, cha cũng không thể bao bọc các con mãi. Vì thế, cuộc sống sau này của con ở nhà lầu, xe hơi hay trong gian nhà tranh vách nát, điều đó phụ thuộc vào chính con mà thôi.

      Thứ bảy, hãy nhớ rõ: mình đối xử với người ta thế nào, không có nghĩa là người ta sẽ đối xử lại với mình như vậy. Việc người ta vong ơn bội nghĩa, không giữ chữ “tín” với mình là điều hoàn toàn bình thường. Bởi cuộc sống luôn muôn màu, đừng vì điều này mà tự chuốc lấy phiền não cho mình.

      Thứ tám, muốn phát đạt, phải siêng năng làm bằng sức lao động của mình mới giàu có được. Đừng thấy những người giàu lên vì mua vé số, đánh đề mà mừng. Đồng tiền không tự mình làm ra thì sớm muộn gì cũng không phải là của mình. Con hãy nhớ, trên thế gian này không có bữa ăn nào là miễn phí cả.

      Cuối cùng, hãy biết trân trọng và gìn giữ những khoảng thời gian gia đình chung sống với nhau, bởi kiếp này, chúng ta chỉ được gặp nhau một lần và kiếp sau, chúng ta mãi mãi không có dịp gặp lại nhau nữa. Dù bận rộn công việc hay bận bịu với các mối quan hệ bạn bè thì cũng nên dành thời gian cho bữa cơm sum họp gia đình, có thể sau này con mới không cảm thấy tiếc nuối.

      Đây đều là những kinh nghiệm xương máu mà cha đúc kết được bấy lâu. Chúc con yêu của cha làm được những điều như cha nói, mỗi khi nản lòng, con hãy mở ra và đọc lại bức thư này, sau đó tĩnh tâm cảm nhận. Cha tin ở con! Yêu con!”.

      Thu Hương/ Motthegioi