NỘI DUNG - HOẠT ĐỘNG
THÔNG TIN BỔ ÍCH
WEBSITE LIÊN KẾT
SƠ ĐỒ ĐƯỜNG ĐI
LƯỢT TRUY CẬP
15699592
Tin xã hội
  • Những vấn đề đặt ra khi đổi mới trang thiết bị
    • Thứ Ba 31/12/2013
      Ngành GD-ĐT TP.HCM đang thực hiện quyết định số 448/QĐ-UBND ngày 31-1-2012 của UBND TP về “Đề án phổ cập và nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh cho học sinh phổ thông và chuyên nghiệp TP.HCM
    • Một giờ học với bảng tương tác tại Trường THPT Lương Thế Vinh, Q.1. Ảnh: H.Triều

      Ngành GD-ĐT TP.HCM đang thực hiện quyết định số 448/QĐ-UBND ngày 31-1-2012 của UBND TP về “Đề án phổ cập và nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh cho học sinh phổ thông và chuyên nghiệp TP.HCM giai đoạn 2011-2020” và đề án “Phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi” bước đầu đạt được những kết quả rất khả quan.
      Theo đó, TP hỗ trợ 50% kinh phí để đầu tư các phòng học có trang bị bảng tương tác nhằm từng bước hiện đại hóa nhà trường, giúp học sinh tiếp cận thiết bị giáo dục hiện đại giống như các nước trong khu vực và trên thế giới đang thực hiện.
      1. Ngày nay, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và xã hội, xu hướng ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong giáo dục và tạo môi trường học tập mang tính tương tác là mối quan tâm hàng đầu của ngành giáo dục cũng như các bậc phụ huynh. Như chúng ta đã biết, việc đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức giáo dục là tất yếu, xuất phát từ đòi hỏi của thực tế khách quan và sự hội nhập trong xu thế phát triển toàn cầu hóa.
      Việc đổi mới phương pháp chỉ có hiệu quả và tác động tích cực khi giáo viên có kiến thức chuyên môn vững vàng và được trang bị những kỹ năng cần thiết về khả năng thuyết trình, hiểu biết và sử dụng các công cụ hỗ trợ giảng dạy như tin học và các trang thiết bị nghe nhìn (máy chiếu). Việc sử dụng các phương tiện nghe nhìn trong giảng dạy giúp cho học sinh hứng thú, dễ học, dễ hiểu, dễ nhớ. Qua đó giúp người dạy chuyển tải nội dung đến học sinh một cách có hiệu quả nhất. Ngay từ những năm cuối thập niên 1990, ngành GD-ĐT Q.1 đã đầu tư các phòng nghe nhìn học tiếng Anh đầu tiên của TP bằng nguồn kinh phí kích cầu, từ đó đã mang lại hiệu quả nhất định trong việc dạy và học ngoại ngữ. Cùng lúc với việc phát triển mạnh mẽ CNTT, các tiết học sử dụng công nghệ mới hiệu quả hơn đã xuất hiện với tính tương tác cao hơn.
      2. Bảng tương tác thông minh là một thiết bị hỗ trợ dạy học mới xuất hiện vài năm gần đây, có nhiều tác dụng giúp giáo viên thực hành giảng dạy nhằm nâng cao hiệu quả giờ dạy, học sinh hứng thú học tập. Cách đây 3 năm, các trường ở quận 1 như: TH Nguyễn Bỉnh Khiêm, TH Lê Ngọc Hân, TH Trần Hưng Đạo, THCS Nguyễn Du, THPT Lương Thế Vinh... đã từng bước trang bị bảng tương tác. Sự ra đời của bảng tương tác đã tạo ra những đột phá nhất định trong quá trình dạy và học, các bài giảng do các giáo viên biên soạn, các tư liệu giảng dạy từ nguồn internet giúp người dạy cũng trở nên năng động hơn, sáng tạo hơn khi phải đầu tư các bài dạy, bài tập theo hướng tạo hứng thú cho người học, học sinh sẽ hứng thú trong việc tiếp thu bài học, chủ động tham gia xây dựng bài và nhớ bài khoa học hơn không còn máy móc. Sự tương tác giữa người dạy và người học diễn ra nhiều chiều và đa dạng. 
      3. Từ những tính năng và hiệu quả của bảng tương tác, được sự chỉ đạo, hỗ trợ của Sở GD-ĐT TP và UBND Q.1, Phòng GD-ĐT Q.1 đã chỉ đạo các trường MN và TH trên địa bàn trang bị bảng tương tác để phục vụ nhu cầu giảng dạy. Cụ thể, với 15 trường MN, mỗi trường trang bị 1 máy, tổng cộng là 15 máy; còn ở TH, 16 trường đã trang bị được 31 máy, trung bình 1 trường khoảng 2 máy. Theo kế hoạch ban đầu, ở TH chỉ trang bị cho các trường có lớp tăng cường tiếng Anh, nhưng khi thực hiện chúng tôi xin ý kiến lãnh đạo quận để trang bị cho tất cả các trường. Chúng tôi đã họp với hiệu trưởng tất cả các trường để triển khai đề án, tạo sự thống nhất chủ trương của TP và sự đồng thuận của các bậc cha mẹ học sinh.
      Tóm lại, việc đưa bảng tương tác vào tiết học ở bậc MN và TH là một giải pháp đồng bộ, nâng cao chất lượng giảng dạy, tăng cường hiệu quả học tập, phát huy tối đa khả năng của từng học sinh trong lớp. Lớp học tương tác có không khí học tập sinh động hấp dẫn, cuốn hút mọi thành viên trong lớp. Tuy nhiên, cũng còn một vài khó khăn khi triển khai như Q.1 có một số trường MN có nhiều điểm lẻ, nên việc đặt bảng ở điểm nào để các cháu có thể sử dụng hiệu quả trong tiết hoạt động và vui chơi, hoặc số lượng các cháu học sinh lớp 5 tuổi ít nên khả năng thu hồi vốn đầu tư ban đầu sẽ chậm. Ngoài ra chúng tôi mong muốn công ty cung cấp máy sẽ cập nhật thường xuyên các phần mềm giáo dục mới cho các đơn vị, đồng thời có kế hoạch tập huấn trực tiếp đến giáo viên.
      Ngành GD-ĐT Q.1 sẽ phát huy tối đa những tiện ích mà bảng tương tác mang lại, sử dụng sao cho hợp lý, hiệu quả nhất góp phần giáo dục toàn diện học sinh vừa có tri thức, vừa năng động phù hợp với nhu cầu hội nhập quốc tế thế kỷ 21.
      Đinh Thiện Căn
      (Trưởng phòng GD-ĐT Q.1, TP.HCM)
Tin xã hội
Trang   1  [2]  3  4